PHƯƠNG PHÁP SOẠN HỢP ÂM CƠ BẢN CHO CA KHÚC THIẾU NHI
PHƯƠNG PHÁP SOẠN HỢP ÂM CƠ BẢN CHO CA KHÚC THIẾU NHI
*Trần Đình Quảng
Trong âm nhạc, hợp âm đóng một vai trò rất quan trọng, nó thường được dùng làm phần đệm cho giai điệu, ngoài ra nó còn có thể tạo nên giai điệu bằng các dạng âm hình hóa. Đặc biệt trong việc phối âm cho các bài hát, bản nhạc thì hợp âm và mối liên kết giữa chúng càng thể hiện rõ nét tầm quan trọng của nó trong âm nhạc.
amnhactrinhthuy.com
0945211555
Cơ sở: Bình Thạnh, Hóc Môn
Để chuẩn bị cho việc đệm hát nói chung cũng như cách đặt hợp âm, việc đầu tiên là xác định giọng của bài hát, tiếp theo là chọn tiết điệu ( Style- Rhythm), âm sắc… Trong phạm vi bài viết này chúng tôi chỉ đưa ra cách soạn hợp âm cho một ca khúc thiếu nhi cụ thể. Thực tế có nhiều cách soạn hợp âm cho ca khúc, tuy nhiên ở đây chúng tôi xin đưa ra cách soạn hợp âm theo còng hòa thanh cơ bản.
Các bước tiến hành
– Bước 1: Xác định giọng, nhịp
– Bước 2. Phân tích hình thức âm nhạc
– Bước 3. Xác định vị trí đặt hợp âm
– Bước 4. Xác định hợp âm, vòng hòa thanh của giọng đó.
– Bước 5. Tiến hành đặt hợp âm.
chúng tôi chọn bài hát: “Ngày đầu tiên đi học”, Nhạc: Nguyễn Ngọc Thiện, Lời: thơ Viễn Phương làm ví dụ.
Bước 1: Xác định chính xác giọng của bài hát
Ở đây chúng tôi không đi sâu vào hướng dẫn cách xác định giọng của một tác phẩm âm nhạc mà chỉ đi vào cụ thể đối với bài hát:“Ngày đầu tiên đi học”
– Bài hát được viết ở hóa biểu không có dấu hóa, không xuất hiện dấu hóa bất thường trong suốt bài hát.
Ngày đầu tiên đi học, mẹ dắt em đến trường. Em vừa đi vừa …
– Kết thúc bài hát ở nốt Đô (âm chủ)- kết trọn, giai điệu bình ổn.
Như vậy chúng ta xác định bài hát được viết ở giọng Đô trưởng.
Trong quá trình xác định giọng chúng ta cần xem xét kỹ cách tiến hành giai điệu của bài hát để xác định giọng một cách chính xác, bởi vì có nhiều bài hát âm kết thúc không phải là âm chủ.
Bước 2: Phân tích hình thức và cấu trúc âm nhạc của bài hát
Bài hát: “Ngày đầu tiên đi học” nhằm giáo dục lòng biết ơn đối với cha mẹ, tình yêu đối với thầy cô giáo…, được viết ở thể hai đoạn đơn, gồm bốn câu nhạc.
Đoạn a: Gồm hai câu nhạc
Câu 1: Gồm 8 nhịp (từ đầu bài đến “…mẹ dỗ dành yêu thương”) và kết thúc câu 1 ở bậc V (âm Son).
…mẹ dỗ dành yêu thương…
…Ôi! Sao thiết tha…
Câu 2: Gồm 9 nhịp, (“Ngày đầu tiên đi học…” đến “…Ôi! sao thiết tha…”) và kết thúc câu 2 ở bậc I ( âm Đô).
Đoạn b: Gồm 2 câu nhạc
Câu 1: Gồm 8 nhịp, (“Ngày đầu như thế đó…” đến “…cô giáo là cô tiên”), kết thúc câu 1 ở bậc V ( âm Son).
…cô giáo là cô tiên… ….mẹ cô cùng vô về…
Câu 2: Gồm 9 nhịp, (“Em bây giờ khôn lớn…” đến “…mẹ cô cùng vỗ về”.), kết thúc câu 2 và cũng là kết thúc bài ở bậc I ( âm Đô).
Giai điệu được tiến hành ở nhịp độ vừa phải, với các quãng đồng âm, quãng 2, quãng 3, quãng 4, quãng 7 âm thanh chủ yếu xoay quanh trục của giọng, âm hình chủ đạo được thể hiện xuyên suốt trong bài hát, các bước nhảy được giải quyết một cách hợp lý tạo nên bức tranh về em bé ngày đầu tiên đến trường trong tâm trạng không vui với bao điều lạ lẫm.
Bước 3: Xác định vị trí đặt hợp âm:
Hợp âm được đặt ở phách mạnh hoặc phách mạnh vừa.
Bước 4: Xác định hợp âm, vòng hòa thanh của giọng đó.
– Trước tiên chúng ta xây dựng các hợp âm 3 của giọng trưởng bằng cách thiết lập vòng hòa thanh cơ bản trên điệu thức Đô trưởng:
Bậc: I II III IV V VI VII (I)
Công năng: T SII DTIII S D TSVI DVII T
Bước 5: Tiến hành đặt hợp âm ( đặt theo vòng hòa âm cơ bản)
+ Hợp âm được đặt ở phách mạnh hoặc phách mạnh vừa (nếu có), và âm của giai điệu là âm có trong hợp âm đó.
+ Hợp âm bắt đầu và hợp âm kết thúc thường là hợp âm chủ (T) của giọng, cũng có khi vào đầu bằng hợp âm át (D) hoặc hạ át (S) và cũng có khi kết thúc bằng hợp âm át hoặc hạ át (kết lững).
+ Với những bài hát có hình thức hai đoạn thì hợp âm vào đầu và hợp âm kết thúc của mỗi đoạn thường là hợp âm chủ (T), cũng có trường hợp vào đầu và kết đoạn một ở hợp âm át (S).
Trích đoạn bài: Ngày đầu tiên đi học
Nhạc: Nguyễn Ngọc Thiện
Lời: thơ Viễn Phương
Ngày đầu tiên đi học, mẹ dắt em đến trường. Em vừa đi vừa
Khóc, mẹ dỗ dành yêu thương. Ngày đầu tiên đi học, em mắt ướt nhạt
Nhòa, cô vỗ về an ủi! Chao ôi sao thiết tha. Ngày…
Câu nhạc thứ nhất
+ Ô nhịp 1: Là ô nhịp lấy đà, chỉ có một phách yếu nên ta không đặt hợp âm.
+ Ô nhịp 2: Đặt hợp âm Đô trưởng (C), vì có nốt Son là âm ổn định của giọng, là âm V của hợp âm Đô trưởng, đồng thời đây là ô nhịp đầu tiên của bài hát.
+ Ô nhịp 3, 4, 5: Trong 3 ô nhịp này, ô nhịp thứ 3 chọn hợp âm Mi thứ (Em), ô nhịp thứ 4 chọn Pha trưởng (F) và ô nhịp thứ 5 chọn Son bảy (G7) nhằm tạo một chuỗi âm đi lên làm cho độ kịch tính được tăng dần rồi giải quyết về hợp âm chủ ở ô nhịp tiếp đó.
+ Ô nhịp 6: Chọn hợp âm Đô trưởng (C) nhằm giải quyết kịch tính của ô nhịp trước, đồng thời làm tiền đề cho vòng công năng mới.
+ Ô nhịp 7, 8, 9: Quan sát kĩ chúng ta thấy 4 ô nhịp trước (2, 3, 4, 5) với 4 ô nhịp sau (6, 7, 8, 9) ý nhạc như được lặp lại. Do đó, chúng ta có thể sử dụng lại vòng hòa thanh đó. Cụ thể là: Ô nhịp thứ 7 chọn hợp âm Mi thứ (Em), ô nhịp 8 chọn hợp âm Pha trưởng (F), ô nhịp 9 chọn hợp âm Son bảy (G7).
Câu nhạc thứ 2:
+ Ô nhịp 10, 11, 12, 13: Nét giai điệu của bốn ô nhịp này tái hiện nguyên dạng của 4 ô nhịp đầu (2, 3, 4, 5). Do đó, lấy vòng hòa thanh của 4 ô nhịp đầu để sử dụng lại cho 4 ô nhịp này. Cụ thể là: Ô nhịp 10 chọn Đô trưởng (C), ô nhịp 11 chọn Mi thứ (Em), ô nhịp 12 chọn Pha trưởng (F), ô nhịp 13 chọn Son bảy (G7).
+ Ô nhịp 14, 15, 16, 17: Đây là 4 ô nhịp cuối của đoạn nhạc, và tác giả vẫn sử dụng vòng hòa thanh T- S- D. Ô nhịp 14 chọn hợp âm Đô trưởng (C) nhằm giải quyết sự kịch tính của ô nhịp trước. Ô nhịp 15 chọn hợp âm La thứ (Am), vì hợp âm này thuộc nhóm công năng S. Ô nhịp 16 chọn hợp âm Son bảy (G7). Ô nhịp 17 là nốt Đô nằm ở phách mạnh và là âm I của hợp âm chủ (T) đồng thời là ô nhịp kết đoạn 1 nên chúng ta đặt hợp âm Đô trưởng (C) cho ô nhịp này.
Bằng cách lập luận và xác định hợp âm như trên, chúng ta có thể tiếp tục đặt hợp âm cho đoạn thứ 2. Sau khi đặt xong hợp âm, chúng ta nghe lại hợp âm trên đàn để điều chỉnh cho phù hợp.
amnhactrinhthuy.com
0945211555
Cơ sở: Bình Thạnh, Hóc Môn
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Đào Ngọc Dung (2001). Phân tích tác phẩm âm nhạc, Nxb Giáo dục
[2. Cù Minh Nhật (2005). Organ thực hành, Nxb Âm nhạc
[3. Phạm Tú Hương,Vũ Nhật Thăng (1993). Sách giáo khoa hòa thanh, Nxb Âm nhạc