LẤY HƠI TRONG CA HÁT
LẤY HƠI TRONG CA HÁT
DÀN BÀI
I. Ích lợi của việc chủ động lấy hơi
II. Các trường hợp lấy hơi
III. Các nguyên tắc lấy hơi trong ca hát
IV. Những điểm cần lưu ý
V. Thực tập
VI. Câu hỏi ôn tập
Như đã biết, việc lấy hơi không chỉ nhằm mục đích cung cấp dưỡng khí cho cơ thể, cũng như cung cấp làn hơi cho việc phát thanh, nhưng còn góp phần biểu hiện ý nghĩa, nội dung, tình cảm của bài hát, có nhiều trường hợp lấy hơi khác nhau mà người ca viên cần biết và làm quen. Đằng khác, cũng có một số nguyên tắc trong việc lúc nào nên hay không nên lấy hơi và những lợi ích của việc lấy hơi như thế nào.
I. ÍCH LỢI CỦA VIỆC CHỦ ĐỘNG LẤY HƠI
1. Việc chủ động lấy hơi lúc khởi tấu cũng như trong bài hát, sẽ làm cho tiếng hát được đầy đặn và có năng lực hơn. Nhiều người than hơi của mình ngắn, hoặc tiếng yếu, một phần lớn, là không lấy hơi đúng cách, hoặc không ý thức để lấy hơi đúng lúc.
2. Ích lợi lớn lao khác là giúp cho toàn thể ca viên bắt đầu câu hát được đều đặn và sắc bén. Nhiều ca đoàn khởi tấu chưa đều, phần nhiều là do chưa tập lấy hơi chủ động.
II. CÁC TRƯỜNG HỢP LẤY HƠI
Người ta thừơng phân biệt bốn trường hợp chính như sau :
1. Lấy hơi lớn :
Là lấy hơi một cách thong dong, không vội vàng, thường thực hiện ở chỗ có dấu lặng tương ứng với một phách trong nhịp độ vừa (giống như dấu chấm trong bài văn).
Thí dụ 1 :
2. Lấy hơi nhỏ :
Là lấy hơi ngắn hơn, dưới một phách cho đến 1/4 phách, thường gặp ở cuối tiết nhạc (chi nhạc), (giống như dấu phẩy trong bài văn).
Thí dụ 2 :
3. Lấy hơi trộm :
Là lấy hơi thật nhanh và nhẹ nhàng như là không lấy hơi vậy (không để người khác nhận ra). Thường áp dụng trong câu nhạc dài, cần lấy hơi bổ sung mà vẫn bảo toàn ý nghĩa lời ca, hoặc trong chỗ ngắt câu phù hợp với ý nghĩa lời ca. Ký hiệu bằng dấu phải (‘), trong thanh nhạc dùng (v).
Thí dụ 3 :
4. Cướp hơi :
Là lấy hơi thật nhanh và mạnh mẽ, thường xảy ra ở những đoạn nhạc sôi nổi, hùng tráng, hoặc lúc chuẩn bị cho cao trào của bài hát. Đây là một kỹ xảo cao trong nghệ thuật ca hát, cần phải chú ý rèn luyện công phu (xem thêm đoạn Ha-lê-lui-a cuối bài Lạy Nữ Vương Thiên Đàng).
Thí dụ 4 :
Trong hợp ca, có những câu nhạc dài, hoặc những chỗ ngân dài không được để đứt hơi, các ca viên phải nối hơi bằng cách thay nhau, kẻ trước người sau lấy hơi trộm : khi tiếp tục lại, phải vào bè nhẹ nhàng cũng như lúc mình hết hơi vậy.
III. CÁC NGUYÊN TẮC LẤY HƠI TRONG BÀI HÁT
Trong câu nói, muốn đảm bảo ý nghĩa, ta chỉ ngắt sau một cụm từ, hoặc dừng lại sau một câu đầy đủ ý nghĩa. Trong bài hát cũng vậy, nhưng đôi khi cũng có những trường hợp ngoại lên, buộc ta phải ngắt cầu nhiều hơn là câu văn cho phép. Hoặc buộc ta phải hát luôn, không ngừng sau mỗi cụm từ, như trong câu nói có thể cho phép.
Trong những trường hợp đó, ta nên theo một số nguyên tắc sau :
1. Bình thường, lấy hơi trước mỗi câu hát (lúc khởi tấu cũng như trong bài hát) hoặc chỗ bài hát ghi dấu lặng (xem Td 1 và 2 ở trên) : có chỗ xem ra không cần lấy hơi, nhưng tác giả cố ý ghi dấu lặng để ca viên lấy ơi cho đồng đều, nhịp nhàng (xem đoạn “Bút tôi reo như … Td 5 dưới đây).
2. Câu hát dài cần ngắt để lấy hơi bổ sung, thì nên ngắt nơi nào có đủ nghĩa (xem Td 4 : ngắt sau “Chúa cho con trời mới đất mới” tương đối đủ nghĩa).
3. Không lấy hơi vụn vặt, cứ 2, 3 chữ đã ngưng để lấy hơi (xem Td 4 : không nên lấy hơi như sau “Chúa cho con / trời mới / đất mới … con / sẽ ca ngợi …).
4. Không lấy hơi ở giữa các từ kép như Thiên Chúa, yêu thương …
IV. NHỮNG ĐIỂM CẦN LƯU Ý
1. Theo nhịp độ :
Nếu hát loại bài với nhịp độ thong thả, thì lấy hơi vào cũng thong thả (xem “Khúc Nhạc Cảm Tạ”). Gặp loại bài sôi nổi, thì lấy hơi cũng phải nhanh nhẹn, nhịp nhàng đáp ứng yêu cầu tốc độ của bài hát (A-ve Ma-ri-a 2 đoạn C).
Thí dụ 5 :
2. Theo sắc thái :
Gặp đoạn nhạc sắp hát rời, thì lấy hơi chuẩn bị cũng phải lấy hơi rời, nghĩa là lấy hơi nhanh rồi nén hơi chờ đợi cho đến khi hát các âm thanh rời.
Thí dụ 6 :
PHẦN THỰC TẬP
1. Tập lấy hơi theo các thí dụ trên, đặc biệt lấy hơi trộm (thí dụ 3); lấy hơi rời(thí dụ 6); cướp hơi (thí dụ 4, 5 và Ha-lê-lui-a cuối của bài “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng” – Lm Ngô Duy Linh).
2. Tập các mẫu thanh nhạc :
Mẫu 8 :
* Yêu cầu 1, 2, 3 : như các mẫu trước + đọc chéo các nguyên âm ô – a – ô, a – ô – a
* Yêu cầu 4 : liền tiếng, vươn lên từ từ cho đến dấu Mi – Sol thì nhẹ lại. Tập quãng ba : chú ý hát chuẩn xác cao độ nhóm 4 dấu “Mi – Sol – Fa – Re”.
Mẫu 9 :
* Yêu cầu :
1. Lấy hơi theo khẩu hình “i” – Nén hơi.
2. Móc nối M với i – ê – a cho mềm mại, phóng âm thanh ra phía trước.
3. Gắng sao cho âm sắc của nguyên âm ê và a cũng gần giống như âm i.
4. Hát liền tiếng, vươn tiếng dần 2 phách đầu, đến dấu Sol đặt nhẹ rồi cho sống lại bằng cách vươn tiếng + lấy hơi trộm và bắt vào chữ Ma cường độ ngang với phách 2 của dấu Sol, rồi hát nhẹ dần lại ở các phách còn lại cho đến hết câu. Chú ý chuẩn xác cao độ, không nặng nề, dựa nhẹ lên các dấu đầu phách, không để các dấu ở nửa phách sau lộ ra quá rõ ràng. Nhớ giữ nguyên khẩu hình chữ a cho đến hết câu, lồng ngực căng, bụng hơi ép dần khi gần hết câu, nếu không nét nhạc đi xuống thường có khuynh hướng buông lỏng, sẽ làm xuống cung.
Mẫu 10 :
* Yêu cầu :
1. Lấy hơi theo khẩu hình “i” – Nén hơi
2. Móc nối M với i – ê – a cho mềm mại, phóng âm thanh ra phía trước.
3. Mượn vị trí của Mi để đọc các chữ Ma, Mô, Mê, tạo cho các chữ sau có âm sắc sáng như i, càng lên cao, phải buông lỏng hàm dưới, nâng hàm ếch mềm, đầu như muốn nhìn từ trên cao xuống để dằn thanh quản thấp xuống, môi trên hơi nâng lên, mũi như muốn phồng lên để tăng độ vang cho âm thanh. Khi hát xuống thấp, môi trên hơi úp xuống che răng trên.
4. Liền tiếng + lấy hơi trộng : ngân dài dấu Fa gần đủ 2 phách như mình không định lấy hơi, sau đó vừa đổi khẩu hình sang chữ Mô vừa “nuốt” trộm hơi vào.
Mẫu 11 :
* Yêu cầu 1,2,3 : như mẫu 10 trên đây.
* Yêu cầu 4 : Môi càng hát nhanh càng mềm mại, không “nhai” tiếng. Càng lên cao, càng hát nhanh, phải tạo cảm giác điểm tựa âm thanh từ vùng xương chậu để phóng luồng hơi luôn luôn hướng lên phía sống mũi. Chỉ hát một hơi, không để mất vị trí dội âm trước mặt, giống như ta cầm vòi xịt nước lên cao, hướng về một điểm trước mặt, giữa môi trên và trán, nơi mà ta cảm thấy âm thanh vang rõ và đẹp nhất. Lúc đầu mỗi người gắng hướng làn hơi tìm xem “điểm” nào cho ta âm thanh vang đẹp nhất. Khi tìm được vị trí rồi, không cần phải tốn nhiều hơi, mà nghe âm thanh vẫn vang rõ. Vai trò của hàm ếch mềm và mỗi trên rất quan trọng để hướng dẫn làn hơi đi vào đúng vị trí. (Cũng có thể làm quen với dội âm trước mặt, bằng cách thực tập đọc sách phóng âm thanh ra trước, không cần đẩy hơi mạnh mà âm thanh vẫn vang vọng tới cuối phòng).
CÁC CÂU HỎI ÔN TẬP
1. Ích lợi của việc lấy hơi chủ động là gì ?
2. Có mấy trường hợp lấy hơi ? Lấy hơi trộm và cưới hơi khác nhau và giống như ở điểm nào ?
3. Cho biết các nguyên tắc lấy hơi ?
4. Lấy hơi theo nhịp độ và sắc thái của bài hát nghĩa là thế nào ? Cho thí dụ ?