KHÁI NIỆM VỀ CA HÁT

  I.  Nhận xét chung

 II.  Điểm khác biệt giữa giọng hát và nhạc khí

 III.  Sự cần thiết của việc luyện tập thanh nhạc  

IV. Phần Thực Tập

V. Các Câu Hỏi Ôn Tập

I. NHẬN XÉT CHUNG

1. Ca hát là bộ môn nghệ thuật phối hợp giữa ngôn ngữ và âm nhạc, gọi là thanh nhạc, nó khác với khí nhạc là loại âm nhạc viết riêng cho nhạc cụ diễn tấu. Ai trong chúng ta cũng đã từng hát, hoặc ít nhất cũng đã từng nghe người khác hát. Một người hát goi là đơn ca, hai ba người hát gọi là song ca, tam ca … nhiều người cùng hát một lời ca, một giai điệu là đồng ca. Còn nếu hát theo nhiều bè, nhiều giai điệu khác nhau gọi là hợp ca (Hợp xướng).

amnhactrinhthuy.com

0945211555

Cơ sở: Bình Thạnh, Hóc Môn

2. Chắc tiếng hát đã có rất sớm cùng với tiếng nói của con người phát xuất từ tôn giáo, lao động và giải trí. Nhưng nguồn gốc sâu xa nhất của tiếng hát là do nhu cầu muốn diễn đạt tình ý của mình một cách có hiệu quả hơn trên tâm hồn người nghe : con người lúc đầu chủ yếu dùng ngôn ngữ để thông đạt cho nhau những ý nghĩ, tình cảm của mình. Dần dà con người tìm cách diễn đạt tình ý một cách khéo léo hơn, tài tình hơn, tức là có nghệ thuật hhơn qua các bài văn, bài thơ. Và yếu tố âm nhạc, tiềm ẩn trong câu nói, trong cầu thơ, đá càng ngày càng rõ rệt hơn trong các kiểu nói diễn cảm, các bài đọc trang trọng (như đọc diễn văn), các câu rao hàng, câu ngâm thơ. Nó xuất hiện rõ nét trong các câu hò nhất là trong các bài hát nhằm tăng sức diễn cảm tối đa cho lời nói. Thanh nhạc đã ra đời dựa trên ngôn ngữ của từng dân tộc, và nó càng ngày càng được nâng cao cùng với các bộ môn nghệ thuật khác như văn thơ, hội hoạ, sân khấu, vũ nhạc … Do đó mỗi dân tộc ít nhiều đều có những kinh nghiệm thanh nhạc riêng mình. Vấn đề hiện này của người học thanh nhạc là làm sao học được kinh nghiệm hay của các dân tộc khác mà không bỏ mất kinh nghiệm quý báu của cha ông để lại.

3. Tiếng hát, chính là tiếng nói được khuyếch đại, được thổi phồng lên về mặt hình thức (thanh điệu của ngôn ngữ) cũng như về mặt nội dung (ý nghĩa của ngôn ngữ), nhằm đánh động tâm hồn người nghe. Muốn đánh động tâm hồn kẻ khác, thì tiếng hát trước hết phải xuất phát từ tâm hồn người sáng tác, người diễn tấu, và như vậy ta mới thấy “Tiếng hát thực sự là tiếng nói của tâm hồn”, như người ta thường nói. Muốn đạt đến cái hay, cái đẹp trong ca hát, bất cứ người diễn tấu nào, người ca sĩ nào, người ca viên nào cũng phải tìm cho ra cái hồn của bài hát, rồi truyền đạt nó đến tại người nghe bằng một giọng hát điêu luyện nhất.

II. ĐIỂM KHÁC BIỆT GIỮA GIỌNG HÁT VÀ NHẠC KHÍ

1. Giọng hát của con người được coi như một “Nhạc khí sống” quý báu, không nhạc khí nào sáng bằng, vì ngoài những âm thanh cao thấp, dài ngắn, mạnh nhẹ, trong đục, giọng người còn có khả năng phát ra lời, ra tiếng : Chính nhờ ngôn ngữ mà tiếng hát có sức biểu hiện lớn lao, có khả năng diễn đạt tình ý cách hữu hiệu, có tính giáo dục cao về nhiều phương diện. Ngôn ngữ làm cho âm nhạc được cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, nên dễ đi sâu vào mọi tầng lớp xã hội. Thanh nhạc nhờ đó mà trở thành bộ môn nghệ thuật có tính đại chúng cao nhất.

Ngoài ra giọng hát con người còn có thuận lợi là bất kỳ lúc nào và nơi nào cũng có thể dùng đến được : Ai cũng có “Nhạc khí sống” và hầu như ai cũng hơn kém sử dụng nó một cách dễ dàng : Đơn ca, tốp ca, đồng ca hay hợp ca, tất cả đều ở trong tầm tay của mọi người.

2. Tuy có những điều thuận lợi trổi vượt như thế nhưng so với các nhạc khí khác, giọng hát cũng có những giới hạn khiêm tốn của nó.

 a)   Âm vực giọng hát giới hạn hơn rất nhiều nhạc khí : giọng hát con người, cả nam lẫn nữ nối lại, cũng chỉ hát được khoảng 4 bát độ (gọi là bốn bát độ hợp ca).

  

 

b) Giọng hát dễ bị ảnh hưởng bởi mọi diễn biến tâm sinh lý của người hát (lo sợ, bệnh tật, thời tiết …)

c) Ngoài những quy luật chung về âm thanh, về kỹ thuật âm nhạc, về thẩm mỹ … giọng hát còn bị chi phối bởi quy luật về ngôn ngữ và về phong cách diễn xướng của từng dân tộc. Do vậy phương pháp ca hát bao giờ cũng gồm 2 mặt : Một là học kỹ thuật thanh nhạc qua các bài luyện thanh : hai là học cách xử lý ngôn ngữ riêng cho từng dân tộc.

III. SỰ CẦN THIẾT CỦA VIỆC LUYỆN TẬP THANH NHẠC

1. Khi hát, chúng ta khai thác các tính chất của âm thanh một cách đậm nét hơn là khi nói. Nên muốn hát cho tốt, cần phải tập luyện kỹ hơn là khi nói bình thường. Vậy chúng ta sẽ phải tập luyện gì ? Đối với các ca viên trong ban hợp ca, chúng ta không thể đòi hỏi họ luyện tập được như các ca sĩ chuyên nghiệp. Và dù nếu có thì cũng không nên để họ hát tự do theo lối hát mà họ hấp thụ được nếu nó không hoà giọng với toàn ban hợp ca. Đàng khác có những điểm trong lối hát ca kịch Tây phương (opéra) xem ra không đẹp và không phù hợp với tâm hồn người Việt Nam.

Trong lá thư đề ngày 6 tháng 3 năm 1987 từ hải ngoại gửi về cho học trò tại quê hương, nhạc sư Hải Linh đã căn dặn :

Về phát âm cho ca đoàn : Tôi nghiêng về phía tiếng “naturelle” (giọng tự nhiên) hơn là (Voix travaillée” (giọng tập luyện) dành cho ca sĩ, theo quan niệm Tây phương. Họ quan niệm “Vibrato” (rung) bất cứ nốt nào … còn nhạc Á đông, tuỳ hơi, tuỳ chỗ mới rung … Lịch sử Hy-lạp và Á đông ưa nghe tiếng naturelle hơn travaillée. Thánh Ambroise tập hát cho dân chúng Milan theo naturelle. Mgr. (ĐGM) Hồ Ngọc Cẩn ra luật “Người Nam đừng hát giọng Tây”, phải tiếng hát “tự nhiên” cũng là vậy … Nói thể để anh em nghĩ và tham bán chương trình thanh nhạc cho ca trưởng sao cho vừa cân, vừa lạng.”

Theo tinh thần đó, chúng ta sẽ chỉ học những kỹ thuật thanh nhạc nào phù hợp để không làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên của giọng người. Cụ thể là học về kỹ thuật hơi thở, về khẩu bình, về dội âm (cộng minh) … để cho giọng hát đầy dặn, có năng lực, phô diễn được những câu nhạc dài ngắn, mạnh nhẹ, bổng trầm khác nhau một cách nhuẫn nhuyễn, dần dần thù đắc được một giọng hát khả quan hơn, mà lý tưởng hướng tới là một giọng hát đẹp tự nhiên và thoải mái, không bị các cố tật làm giảm thiểu sức truyền cảm của giọng hát.

2. Ngoài ra, chúng ta còn phải học xử lý ngôn ngữ làm sao cho tiếng hát luôn luôn rõ lời. Khi hát ngôn ngữ nào thì phải xử lý tiếng hát theo ngôn ngữ đó, không có mẫu chung cho mọi ngôn ngữ. Nhất là đối với ngôn ngữ Việt Nam, đơn vận đa thanh, các vần đóng nhiều hơn các vần mở, thì vấn đề rõ lời mà vẫn đẹp tiếng, vẫn ngân vang, quả là nhiều khi khó dung hoà. Vì thế người sáng tác cũng như người ca viên cần nắm vững các đặc điểm của ngôn ngữ dân tộc, các đòi hỏi của nó, cũng như kinh nghiệm của tiền nhân trong quá khứ để xử lý ngôn ngữ dân tộc một cách xứng hợp với bản sắc riêng của dân tộc mình. Nếu không học, không biết, thì nhiều khi chúng ta dễ lầm lẫn, dẫn đến chỗ vọng ngoại, bắt chước người khác một cách máy móc, nếu không nói là nô lệ, làm cho tiếng hát dân tộc mất đi vẻ đẹp tự nhiên của nó.

THỰC TẬP

Sau mỗi bài lý thuyết, sẽ có một số điểm thực hành. Không thể học hết lý thuyết rồi mới học thực hành, nên có những điểm thực tập trước rồi mới giải thích rõ ràng hơn ở những bài sau.

1. Tập lấy hơi :

a) Khẩu hình hé mở để lấy hơi vừa bằng mũi vừa bằng miệng.

b) Lấy hơi sâu vào tận đáy phổi bằng cách hạ hoành cách mô xuống, làm cho bụng và sườn căng ra.

c) Đồng thời trương lồng ngực mà vẫn căng bụng để hơi tiếp tục vào đầy cả phần trên của hai lá phổi (xem hình 3).

d) Nén hơi trong giây lát.

đ) Rồi thở ra từ từ bằng miệng, điều chế làn hơi sao cho đều.

2. Tập xì

a) Khẩu hình mở theo âm “i” để lấy hơi như trên.

b) Lấy hơi nhanh vào sâu tận đáy phổi (hạ hoành cách mô, bụng hơi căng).

c) Và trương lồng ngực để hơi tiếp tục vào phần trên của hai lá phổi.

d) Nén hơi trong giây lát.

đ) Xì hơi ra từ từ nhẹ nhàng, bằng cách đặt đầu lưỡi đụng giữa hai hàm răng khít. Điều chế làn hơi ra thật đều với tiếng xì nhẹ nhẹ từ 30 giây trở lên. Khi thấy gần hết hơi, thì xì thật mạnh một cái cuối cùng bằng cách ép bụng vào để đẩy hơi ra cho mạnh.

3. Tập mẫu luyện thanh

Mẫu I :

  

* Yêu cầu của mẫu 1 (lúc đầu tập các âm hàng a), còn hàng b), c) để tăng cường nếu có thì giờ).

1) Tập lấy hơi 1 phách theo khẩu hình ô – nén hơi.

2) Tập chữ M móc nối với chữ ô cho rõ ràng mà mềm mại.

3) Tập khẩu hình âm A, tập cuống lưỡi khi đọc âm Ngô, Nga.

Lưu ý : Khi đọc chữ Ngô, chữ Nga chỉ có cuống lưỡi làm việc, tuyệt đối không để cho hàm dưới nâng lên hạ xuống.

4) Hát đều tiếng, rõ từng âm, chưa cần để ý đến cường độ. Hát lên dần rồi xuống dần từng nửa cung, trong âm khu trung bình của từng loại giọng.

 

CÁC CÂU HỎI ÔN TẬP

1. Ca hát phát xuất từ những hoàn cảnh nào ?

2. Các điểm thuận lợi của giọng người so với các nhạc khí khác là gì ?

3. Tại sao cần học thanh nhạc ? Và nên học những gì ?

4. Mục đích của việc học xử lý ngôn ngữ là gì ?