CHƯƠNG TRÌNH HỌC XƯỚNG ÂM CẤP I

Xướng Âm cấp I (XA1) giúp học viên đọc – hát nhạc, luyện tai nghe nhạc và ký âm trong thang âm Đô Trưởng (ĐôT) và La thứ (Lat), song song với việc học những kiến thức căn bản về âm nhạc.

 

XA1 được chia thành 32 bài học gồm từ 2 đến 4 trang. Trong mỗi bài thường có những phần chính sau đây:

1. Một số hướng dẫn cụ thể

2. Bài thuộc lòng: Học viên cần học thuộc lòng một số bài nhạc hay bài hát tiêu biểu (Bài TB) hoặc bài căn bản (bài CB), nhằm giúp học viên thủ đắc được một số vốn giai điệu để học viên dựa vào đó mà đọc bài mới, hoặc để nhận diện dấu nhạc khi luyện tai nghe và khi ký âm. Học viên bấm vào…để nghe bài thuộc lòng.

3. Bài làm tại nhà: xếp các công thức giai điệu cho sẵn thành 24 kiểu xếp khác nhau, không kiểu nào trùng lặp nhau về cao độ, theo mẫu tiết tấu cho sẵn. Học viên sẽ dựa vào đó để luyện xướng âm thêm.

4. Bài đọc thêm: Các bài này được lựa chọn để học viên tự mình xướng âm lấy, dựa trên những bài TB hoặc CB đã học thuộc lòng trước đó. Nếu học viên tự mình (không dùng đàn) xướng âm được các bài đọc thêm, thì kể như học viên đó đã hoàn thành được bài học, và an tâm tiến sang bài kế tiếp. Chỉ khi nào muốn kiểm tra xem mình đọc có đúng không, học viên mới bấm vào nút để nghe lại.

5. Phần nhạc lý: Ngoài những hướng dẫn trong từng bài, học viên cần học hiểu các chương mở đầu, chương 1,2,3, và 4 (không tính phần ngũ âm sẽ được học trong chương trình XA2) nơi mục Nhạc Lý Căn Bản.

6. Phần luyện nghe: Ngoài các phần luyện nghe và ký âm trong lớp, khi bắt đầu học sang thất âm, học viên nên luyện nghe thêm trong tiểu mục “Luyện Nghe” : Chọn “fixed root”, chọn Beginner-Simple intervals/ more intervals; Chọn “ Intervals” –simple intervals up-down-up/down; diatonic intervals up-down-up/down. Chưa nên dùng các loại khác khó hơn so với trình độ XA1.

7. Ghép lời vào nhạc: Học viên tìm các bài hát viết trong ĐôT/Lat (C/a; CM/Am) để tập xướng âm và ghép lời vào nhạc. Muốn tập ghép lời vào nhạc, học viên xướng âm xong 1 câu nhạc, thì “âm” lại câu nhạc đó, và ghép lời ngay vào câu nhạc vừa ngâm nga đó. Đây là công việc cần phải luyện tập nhiều, thì học viên sau đó mới có thể nhìn vào bản nhạc mà hát lời ngay được.